Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Cách chống nóng cho xe hơi hiệu quả

Do tác động của hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ trong xe có thể lên tới 50 độ C và hàng loạt chất độc hại trong xe hoá hơi nếu để xe dưới trời nắng nóng. Vì thế, cần có những giải pháp chống nóng cho 'xế yêu' mùa hè như dán phim cách nhiệt, chọn nơi râm mát, gắn tấm che nắng...

Dưới cái nóng trên dưới 40 độ C của mùa hè, cho dù có bật điều hòa hết công suất bạn cũng không thể tránh được ánh nắng gay gắt, nhất là khi bạn phải cầm lái hoặc ngồi ở ghế trước. Ngoài việc gây ra cảm giác cháy rát và lóa mắt cho người ngồi trong xe, nắng gắt còn làm giảm tuổi thọ và làm mất màu nội thất. Đó là chưa kể đến tác dụng gây bốc mùi hóa chất độc hại khi xe đỗ ngoài trời mùa hè.



Dán kính cách nhiệt

Để ngăn chặn những tác hại đó, từ nhiều năm nay các kỹ sư trong lĩnh vực ô tô đã chế tạo ra nhiều loại phim dán cách nhiệt nhằm bảo vệ sức khỏe của người sử dụng xe cũng như tăng cường độ bền của nội thất, tác dụng tốt cả khi xe đang vận hành trên đường hoặc đỗ. Ở Việt Nam, thị trường phim cách nhiệt cũng đã có hầu hết các thương hiệu hàng đầu trên thế giới. Do mức độ cạnh tranh trên thị trường hiện nay khá cao nên chất lượng của các loại phim cách nhiệt đang được bán trong nước khá đồng đều, có thể kể đến một số sản phẩm phổ biến như Llumar, Vkool, FSK, Rabon, Eurocool, Classis, 3M, SunGuard...với mức giá từ 5 -15 triệu đồng, tuỳ loại. Bên cạnh đó là vô số các sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc, giá từ 1-4 triệu đồng. Để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, tốt hơn hết là bạn nên tìm đến các đại lý ủy quyền của các hãng phim có thương hiệu đã được khẳng định.

Chọn nơi đỗ râm mát, dùng tấm chống nắng

Nhiều người có kinh nghiệm cho hay, một tháng để ngoài mưa nắng xe xuống nước tương đương một năm để xe trong nhà. Vì thế, tốt nhất là tìm nơi có mái che, dưới bóng cây râm mát, thoáng gió, tránh ánh nắng trực tiếp để đỗ xe.

Trong trường hợp bất khả kháng phải đỗ xe ngoài trời nắng thì có một số cách chống nóng như hạ một chút cửa kính (khoảng 1-1,5 cm để không khí lưu thông, tránh để rộng quá không an toàn); sử dụng tấm chống nắng, mặt ngoài dán giấy gương trắng chống hấp thụ ánh sáng và phản xạ ngược ánh sáng, có những miếng giác hút dính chặt vào kính. Thực tế cho thấy, nếu các tấm chống nắng che được càng kín phía kính lái, kính sau, kính cửa xe thì mức độ chống nắng rất cao. Vì thế, nên chọn các tấm chống nắng có thể xếp vào được, và là một tấm lớn che kín kính lái, kính sau xe.

Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng bạt phủ. Một số loại bạt được tráng lớp nhôm nên có thể phản xạ hầu hết bức xạ nhiệt mặt trời. Mặc dù khả năng chống nắng tốt nhưng bất tiện và không tốt nếu phủ lúc xe ướt hoặc bẩn, do xe dễ bị trầy xước trong quá trình phủ - tháo bạt. Ngoài ra, nếu chẳng may gặp trời mưa, bạt thấm nước thì xe cũng có thể bị trầy xước.

Ngoài ra, nhiều chủ quán ăn lớn thường chống nóng cho xe của khách bằng những tấm chiếu cũ, trải lên nóc xe rồi tưới xô nước vào. Cách này cũng khá hiệu quả nhưng thường chỉ áp dụng với xe bình dân vì với xe sang đắt tiền, chủ xe sẽ lo ngại xe bị trầy xước.

Mở hết kính cho thoát khí nóng

Một số lái xe có thói quen khi lên xe là nổ máy và bật điều hoà cho mát, ngay cả khi xe đỗ dưới trời nắng nóng. Tuy nhiên đây là thói quen không tốt vì xe vừa phải tốn nhiên liệu làm mát cho không gian cabin đang rất nóng, vừa khiến người ngồi trong xe phải chịu đựng không khí nóng một lúc lâu.

Cách tốt nhất mà nhiều lái xe có kinh nghiệm thường xuyên áp dụng là hạ hết kính tất cả các cửa, chỗ rộng có thể mở cửa trong vòng 1-2 phút để khí nóng thoát ra ngoài, sau đó mới đóng cửa, nổ máy và bật điều hoà. Thậm chí một số người còn thao tác như trên và bật điều hoà 1-2 phút rồi mới vào xe.

Nguồn qckhanhnam.com





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét